Số 2, đường số 2, Khu phố 3, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân

Làm răng sứ: Tất tần tật những điều cần biết

Làm răng sứ: Tất tần tật những điều cần biết

Làm răng sứ là giải pháp nha khoa giúp che đi khuyết điểm của răng hoặc lấp đầy khoảng trống do mất răng. Giúp phục hồi chức năng ăn nhai và tính thẩm mĩ cho bệnh nhân.

Làm răng sứ có đau và ảnh hưởng gì không?

Khoang miệng là nơi chứa nhiều thụ cảm và dây thần kinh. Nên mọi đau nhức hay các tổn thương, bệnh nhân thường cảm nhận rõ ràng. Do đó, bệnh nhân thường mang cảm giác lo lắng khi nha sĩ có những tác động vào vùng miệng. Điều này cũng không ngoại lệ trong quá trình làm răng sứ. Vậy làm răng sứ có đau không ?

Câu trả lời là không. Đây là một quá trình hầu như không gây đau đớn cho bệnh nhân. Miệng của bệnh nhân luôn được gây tê trước khi nha sĩ có những can thiệp sâu như chữa tủy hay mài cùi. Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu trong vòng 1 hoặc 2 ngày. Nhưng nha sĩ có thể hướng dẫn cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát cơn đau.

Những trường hợp nên làm răng sứ?

Làm răng sứ là phương pháp nha khoa được áp dụng rộng rãi trong các trường hợp như:

  • Phục hồi lại chức năng ăn nhai và thẩm mĩ do bị nứt gãy, vỡ hay sâu răng quá nặng.
  • Cải thiện tính thẩm mĩ do răng có hình dạng không đẹp hay răng bị nhiễm màu không thể tẩy trắng.
  • Là mão bọc sau cùng trong cấy ghép implant.

Răng sứ và các loại vật liệu được sử dụng

Dựa vào vật liệu sử dụng răng sứ được chia thành 2 loại: răng sứ kim loại và răng toàn sứ.

1. Răng sứ kim loại

Răng sứ kim loại gồm 2 phần chính: sườn kim loại nằm bên trong (giúp bảo vệ và nâng đỡ) và lớp sứ phủ lên trên (mang lại tính thẩm mĩ). Chúng liên kết với nhau bằng liên kết hóa học giữa các thành phần trong kim loại và sứ.

Vật liệu sử dụng:

  • Kim loại được sử dụng rộng rãi trên thị trường hiện nay là Ti (Titanium), hợp kim Ni-Cr-Mo-Be, Ni-Cr-Mo, Co-Cr-Mo, Co-Cr-W.
  • Sứ dùng trong răng sứ kim loại thường là sứ đắp thiêu kết (dạng bột và nước), ví dụ như Ceramco 3 (DENTSPLY International), Creation Porcelain (Jensen Dental), EX-3 (Kuraray Noritake Dental Inc), VITA VM13 (VITA Zahnfabrik), Vintage Halo (Shofu), IPS e.max Ceram (Ivoclar Vivadent).
Răng sứ kim loại
Răng sứ kim loại

2. Răng toàn sứ

Răng toàn sứ được cấu tạo 2 phần như răng sứ kim loại, tuy nhiên lớp sườn được làm hoàn toàn bằng sứ.

  • Lớp sườn bên trong được làm bằng chất liệu sứ: Cercon, Venus Zirconia, Katana Zirconia, Lava 3M. Đặc tính của những loại vật liệu dùng làm sườn thường có độ cứng cao, nhưng màu không tự nhiên.
  • Lớp sứ bên ngoài, thường là các loại sứ đắp của các hãng như: Cercon, Emax Ceram, Zirconia Cerabien CZR, Lava 3M. Lớp sứ đắp này có đặc tính quang học và màu sắc thẩm mĩ đẹp tự nhiên. Tương tự như màu răng thật.

Ngoài ra còn có răng toàn sứ nguyên khối. Tức là răng sứ được tạo ra duy chỉ từ một loại sứ. Vật liệu được sử dụng phổ biến là Cercon, Venus Zirconia, Katana Zirconia, Lava 3M, Emax press, Emax CAD,… Với các dòng có độ trong suốt và độ cứng cao.

Răng toàn sứ
Răng toàn sứ

Việc lựa chọn loại răng sứ kim loại hay răng toàn sứ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của răng cần phục hình, khoảng tiếp xúc, khớp cắn, mong muốn và điều kiện kinh tế của bệnh nhân.

Quy trình làm răng sứ

1. Khám và điều trị ban đầu (nếu cần)

Nha sĩ thực hiện khám và chụp X- quang để kiểm tra chân răng sắp làm phục hình và xương xung quanh. Nếu răng bị sâu răng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng hoặc tổn thương tủy răng,… nha sĩ sẽ điều trị những vấn đề này trước tiên.

2. Chuẩn bị răng (mai cùi) và lấy dấu

Nha sĩ gây tê răng và mô nướu xung quanh răng. Sau đó mài bỏ một ít lớp men răng để tạo khoảng trống vừa đủ cho phục hình. Sau khi sửa soạn răng, nha sĩ tiến hành lấy dấu răng bằng vật liệu lấy dấu (cao su hoặc alginate) hoặc bằng máy quét kỹ thuật số.

Mài cùi
Mài cùi

3. So màu răng và gắn mão tạm

Nha sĩ dựa vào màu da, màu răng lân cận và cả màu nướu để chọn màu răng sứ phù hợp nhất với bệnh nhân.

So màu răng
So màu răng

Sau đó, nha sĩ gắn mão tạm bằng acrylic và được cố định bằng xi măng tạm thời, để bảo vệ cùi răng và giúp bệnh nhân thoải mái giao tiếp, trong khi chờ răng sứ được hoàn thiện tại phòng Lab (nơi thiết kế và chế tác ra răng sứ).

4. Gắn răng sứ

Nha sĩ loại bỏ răng tạm thời. Làm sạch cùi răng. Sau đó kiểm tra sự phù hợp về cung hàm, khớp cắn và màu sắc của răng sứ. Nếu mọi thứ đều được chấp nhận, nha sĩ gây tê và gắn răng sứ bằng xi măng vĩnh viễn. Khớp cắn được kiểm tra và điều chỉnh cho đến khi bệnh nhân cảm thấy thỏa mái.

Răng sứ sau cùng
Răng sứ sau cùng

Những vấn đề có thể xảy ra khi mang răng sứ?

1. Khó chịu hoặc nhạy cảm

Sau 2-3 ngày thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu hay nhạy cảm. Trường hợp chân và cùi răng của bệnh nhân là răng thật tự nhiên thì có thể gặp một số nhạy cảm nóng và lạnh. Đối với những trường hợp này nha sĩ khuyên nên đánh răng bằng kem đánh răng được thiết kế cho răng nhạy cảm. Và hạn chế ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

2. Răng sứ bị sứt mẻ

Răng sứ kim loại hay răng toàn sứ đôi khi có thể sứt mẻ (lực ăn nhai quá mạnh, vi nứt trong quá trình thao tác). Nếu vết mẻ nhỏ, nha sĩ có thể trám lại bằng composite. Tuy nhiên, đây thường chỉ là một sửa chữa tạm thời. Nếu sứt mẻ rộng, răng sứ cần phải được làm lại.

3. Răng sứ lỏng lẻo hoặc rơi ra

Nếu răng sứ không khít sát với cùi răng, nước bọt có thể thấm vào xi măng và làm xi măng bị rửa. Điều này không những làm răng sứ bị lỏng lẻo, mà còn cho phép vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng cho cùi răng. Trong trường hợp này bệnh nhân nên liên hệ ngay với nha sĩ để kịp thời điều trị.

4. Dị ứng

Bởi vì các kim loại được sử dụng để chế tạo răng sứ kim loại thường là hợp kim. Nên đôi khi xảy ra dị ứng đối với vài bệnh nhân. Tuy nhiên điều này cực kỳ hiếm.

5. Đường viền màu đen ngay nướu

Đối với răng sứ kim loại, sau một thời gian sẽ xuất hiện một đường viền màu đen ngay nướu. Đây chính là ánh kim lộ ra từ sườn kim loại. Điều này thường chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ đối với vùng răng trước. Bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách chọn răng toàn sứ thay thế.

Kết luận

Mặc dù răng sứ không cần bất kỳ sự chăm sóc đặc biệt nào. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là răng đó được bảo vệ khỏi sâu răng hoặc các bệnh về nướu. Do đó, hãy tiếp tục tuân thủ các thực hành vệ sinh răng miệng tốt. Bao gồm đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Và khắc phục các thói quen xấu như nhai đá, cắn móng tay hay nghiến răng.

Nguồn tham khảo: youmed.vn