Viêm da dị ứng là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân của viêm da dị ứng là gì? Triệu chứng của viêm da dị ứng là gì? Điều trị bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tổng quan về viêm da dị ứng ở trẻ em
Viêm da dị ứng có thể xảy ra với trẻ em bao gồm cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện lần đầu khi trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi. Viêm da dị ứng thường biểu hiện ngứa rất dữ dội. Tình trạng này sẽ được điều trị bằng cả thuốc uống và thuốc thoa. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm da dị ứng ở trẻ em có thể trở nên nghiệm trọng hơn.
Viêm da dị ứng khiến trẻ ngứa ngấy và khó chịu
Các loại viêm da dị ứng ở trẻ
Viêm da dị ứng có nhiều biểu hiện khác nhau:
- Viêm da dị ứng ở tay: chỉ ảnh hưởng đến bàn tay của trẻ, tương tự như ở người lớn. Viêm da dị ứng ở bàn tay thường do tiếp xúc thường xuyên với các chất gây kích ứng như dung dịch rửa tay, gel rửa tay nhanh, cồn,….
- Bệnh tổ đỉa: Là một dạng của viêm da cơ địa, các mụn nước sâu chỉ phát triển trong lòng bàn tay, mặt bên ngón tay và lòng bàn chân của trẻ.
- Viêm da thần kinh (lichen hóa): Thường gặp ở người lớn hơn trẻ nhỏ, viêm da thần kinh được đặc trưng bởi các mảng da dày lên do cọ xát hoặc gãi nhiều lần.
- Chàm đồng tiền: Bệnh chàm đồng tiền là một tình trạng mãn tính gây ra các đốm có kích thước bằng đồng xu thường gây ngứa.
- Chàm sữa: khá thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2-6 tháng tuổi. Biểu hiện bởi các mảng da đỏ, mụn nước ở hai bên má.
Nguyên nhân viêm da dị ứng ở trẻ em
Nguyên nhân viêm da dị ứng ở trẻ em thường gặp là:
- Di truyền: viêm da dị ứng ở trẻ em có thể do di truyền từ ba mẹ. Ba mẹ trẻ có thể có tiền sử chàm da (viêm da cơ địa), hen suyễn hay viêm mũi dị ứng.
- Hệ miễn dịch: ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị dị ứng.
- Tác nhân bên ngoài: có thể do thời tiết lạnh, lúc giao mùa, sử dụng nước nóng để tắm, nhiệt độ cao,…
Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ
Triệu chứng viêm da dị ứng thường xảy ra cấp tính ở nhiều vị trí của cơ thể ở trẻ. Ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện thường ảnh hưởng đến mặt, cổ, da đầu, khuỷu tay và đầu gối. Ở trẻ em, viêm da dị ứng thường ảnh hưởng đến vùng da bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối, hai bên cổ, quanh miệng và trên cổ tay, mắt cá chân và bàn tay. Ngoài ra, những dấu hiệu thường gặp có thể bao gồm:
- Ngứa là phản ứng thường gặp nhất trong viêm da dị ứng ở trẻ em, thậm chí là ngứa rất dữ dội.
- Da khô, có vảy hoặc hồng ban xuất hiện ở các nếp gấp khuỷu tay, đầu gối,…
- Đỏ và sưng bất kỳ vị trí nào của cơ thể, ví dụ như sau tai, lòng bàn tay, lòng bàn chân,…
- Mụn nước trên nền da hồng ban, sưng nề trên mặt, cánh tay trên và đùi.
- Thâm mí mắt hoặc xung quanh mắt.
- Thay đổi màu sắc, bề mặt vùng da quanh miệng, mắt hoặc tai.
Viêm da dị ứng có thể gây phát ban ở nếp gấp tay của trẻ
Điều trị tại nhà được không?
Trong trường hợp trẻ chỉ nổi vài tổn thương nhỏ, ngứa ít, ba mẹ có thể cho bé uống thuốc giảm dị ứng và/hoặc thoa các loại thuốc kháng viêm. Nếu sau 5 – 7 ngày tình trạng dị ứng không cải thiện, dị ứng lan ra nhiều vùng trên cơ thể. Người nhà cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Liên hệ bác sĩ ngay nếu bạn thấy các dấu hiệu sau:
- Đau, sưng, hoặc nóng xung quanh vùng da phát ban.
- Sốt.
- Sang thương da rỉ dịch/có mùi môi.
- Triệu chứng/diện tích da dị ứng không giảm mà ngày càng nặng và lan rộng.
Chẩn đoán viêm da dị ứng ở trẻ như thế nào?
Chẩn đoán viêm da dị ứng ở trẻ kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó cần phải kể đến như:
- Hỏi bệnh sử.
- Khám tổng trạng và khám da của bé. Xem xét các tình trạng nổi ban, sưng viêm da.
- Thực hiện những cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán: công thức máu, Patch test, test sàng lọc các loại thức ăn hoặc các tác nhân môi trường có thể gây dị ứng,..
Điều trị viêm da dị ứng ở trẻ em
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi và tổng trạng của trẻ. Đồng thời, nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng. Mục tiêu của điều trị là giảm ngứa, kháng viêm, bổ sung độ ẩm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Điều trị viêm da dị ứng bao gồm:
Tại chỗ
- Kem hoặc thuốc mỡ có chứa thành phần corticosteroid. Kem hoặc thuốc mỡ được bôi lên da. Điều này là để giúp giảm ngứa và sưng.
- Thuốc ức chế calcineurin. Được dùng cho trẻ trên 2 tuổi, có tác dụng kháng viêm, điều hòa miễn dịch tương tự như corticoid nhưng ít tác dụng phụ hơn.
Toàn thân
- Thuốc dị ứng. Trẻ có thể cần dùng thuốc chống dị ứng trước khi ngủ để giúp giảm ngứa và cải thiện giấc ngủ. Thuốc có dạng dung dịch hoặc viên và dùng đường uống. Những thuốc chống dị ứng kháng histamin được dùng phổ biến hiện nay bao gồm: cetirizin, clorpheniramin, fexofenadin,…
- Thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
Chăm sóc trẻ viêm da dị ứng tại nhà như thế nào?
Khi trẻ bị viêm da dị ứng, ba mẹ và người thân cần lưu ý cách chăm sóc tại nhà cho trẻ. Một số cách chăm sóc trẻ bao gồm:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm.
- Tắm cho trẻ bằng loại sữa tắm dịu nhẹ.
- Cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh gãi có thể gây kích ứng da và nhiễm trùng.
- Cho trẻ mặc quần áo có chất liệu mềm mại, thoải mái.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ nếu cần thiết.
Ba mẹ nên thường xuyên dưỡng ẩm cho trẻ bị viêm da dị ứng
Trẻ bị viêm da dị ứng kiêng ăn gì?
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bị viêm da dị ứng cũng có nguy cơ dị ứng với một số loại thực phẩm tuỳ theo từng tình trạng của trẻ.
Một số trẻ có tiền căn dị ứng thực phẩm từ sớm. Trong khi đó, một số trẻ khác khi đang bị viêm da dị ứng ăn một số thực phẩm mẫn cảm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Tốt nhất, người thân cần tìm ra những nhóm thực phẩm hoặc nguyên nhân làm trẻ bị dị ứng. Hoặc người nhà cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích.
Những thực phẩm cần tránh có thể bao gồm: sữa bò, đậu phộng, trứng, đậu nành, các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò… Thay vào đó, trẻ có thể ăn thịt cá, trái cây, rau củ cùng các loại ngũ cốc.
Phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ
Không có cách nào chắc chắn để phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên, ba mẹ có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh ở trẻ bằng cách cho bé tránh xa các chất kích thích, cũng như những món ăn có thể gây dị ứng.
Ngoài ra, dưỡng ẩm thường xuyên sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ làn da trẻ. Chất giữ ẩm như một hàng rào giúp trẻ tránh khỏi những tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài.
Tắm và dưỡng ẩm một cách phù hợp mỗi ngày giúp giữ ẩm cho làn da của trẻ. Một cách dưỡng ẩm hiệu quả và nhanh chóng là dùng kem dưỡng ẩm. Chúng có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề về da như viêm da dị ứng, chàm da,…
Theo Hiệp hội Chàm da Quốc gia Hoa Kỳ – National Eczema Association, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm trong vòng ba phút sau khi rửa tay hoặc tắm khi da vẫn còn ẩm. Thoa kem dưỡng ẩm bằng cách chấm một ít lên da, sau đó thoa nhẹ nhàng. Bạn nên thoa kem theo hướng mọc của lông để tránh làm tắc nghẽn các nang lông.
Trên đây là thông tin về tình trạng viêm da dị ứng ở trẻ em. Đây là tình trạng da trẻ em bị mẫn cảm một tác nhân từ môi trường bên ngoài. Việc điều trị chủ yếu là giảm viêm, giảm ngứa. Đồng thời ba mẹ cần phát hiện tình trạng nhiễm trùng để đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
Trích nguồn tham khảo: https://youmed.vn/tin-tuc/viem-da-di-ung-o-tre-em/