Số 2, đường số 2, Khu phố 3, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân

Suy giảm khả năng hội tụ có thật sự gây sa sút trong học tập?

Suy giảm khả năng hội tụ có thật sự gây sa sút trong học tập?

Suy giảm khả năng hội tụ là tình trạng mắt không thể hoạt động cùng lúc khi nhìn vào vật thể ở gần. Tình trạng này làm cho một mắt hướng ra ngoài thay vì hướng vào trong so với mắt kia; gây ra nhìn đôi hoặc nhìn mờ.

Căn bệnh này thường được chẩn đoán ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên. Gây chứng khó đọc, mà đôi khi cha mẹ hoặc giáo viên nghĩ rằng trẻ sa sút trong học tập hơn là có bệnh lý về mắt. Vậy làm thế nào để biết trẻ có đang mắc chứng suy giảm khả năng hội tụ hay không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.

1. Dấu hiệu nhận biết Suy giảm khả năng hội tụ là gì?

Không phải tất cả những người mắc bệnh đều có triệu chứng. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể xảy ra trong khi đang đọc hoặc làm các công việc có tầm nhìn gần, bao gồm:

  • Mỏi mắt, đau hoặc khó chịu mắt.
  • Nhức đầu.
  • Khó đọc: Chữ dường như nổi lên trên trang giấy, bạn quên mất vị trí mình đã đọc hoặc đọc chậm. Điều này có thể khiến bạn tránh né việc đọc hoặc không hoàn thành bài tập ở trường.
  • Nhìn đôi.
  • Khó tập trung.
  • Nheo mắt, dụi mắt hoặc nhắm một mắt.

2. Nguyên nhân gây bệnh?

Nguyên nhân của gây bệnh hiện vẫn chưa được biết rõ, nhưng nó liên quan đến việc mắt bị lệch khi tập trung vào các vật thể ở tầm nhìn gần. Sự lệch trục liên quan đến các cơ vận nhãn. Thông thường, một mắt sẽ lệch ra ngoài khi bạn tập trung vào một từ hoặc một vật thể ở cự ly gần.

Bên trái: Mắt người bình thường Bên phải: Mắt người bị Suy giảm khả năng hội tụ
Bên trái: Mắt người bình thường Bên phải: Mắt người bị Suy giảm khả năng hội tụ

3. Suy giảm khả năng hội tụ gây những hậu quả gì?

Khó đọc và khó tập trung có thể ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Căn bệnh này tuy không làm mất khả năng học tập, nhưng nó làm cho việc điều khiển đôi mắt trở nên khó khăn và mệt mỏi.

Suy giảm khả năng hội tụ thường không được phát hiện khi kiểm tra mắt định kỳ hoặc kiểm tra thị lực ở trường. Chứng khó đọc của trẻ có thể dẫn đến việc đánh giá nhầm trẻ bị sa sút trong học tập. Nhưng điều quan trọng là phải loại trừ được bệnh lý này.

4. Chẩn đoán Suy giảm khả năng hội tụ như thế nào?

Những người bị suy giảm khả năng hội tụ có thể có thị lực bình thường, do đó phải chú ý đề cập đến việc đọc hoặc học tập với bác sĩ điều trị. Để chẩn đoán suy giảm khả năng hội tụ, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về tiền căn y khoa. Bao gồm tiền căn về sức khỏe. Các vấn đề khi tập trung, mờ mắt hoặc nhìn đôi, đau đầu hoặc các triệu chứng khác.
  • Đo điểm hội tụ (NPC). Thủ thuật này đo khoảng cách từ mắt đến vị trí cả hai mắt có thể tập trung mà không bị nhìn đôi. Người khám lấy một vật nhỏ làm mốc, chẳng hạn như tấm thẻ hoặc bút soi trước mặt bạn và từ từ di chuyển nó lại gần hơn cho đến khi bạn có nhìn đôi. Hoặc khi người khám nhìn thấy một mắt bị lệch ra phía ngoài.
  • Đánh giá chuyển động hiệp đồng dương tính (PFV). Khi làm test này, bạn sẽ được yêu cầu đọc các chữ cái trên bảng đo thị lực trong khi nhìn qua thấu kính hình trụ. Người khám sẽ để ý khi nào bạn bắt đầu có nhìn đôi.
  • Khám mắt định kỳ. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề thị lực nào khác, chẳng hạn như cận thị, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để đánh giá mức độ bệnh.

5. Điều trị bệnh như thế nào?

Nếu Suy giảm khả năng hội tụ không gây ra triệu chứng, thì thường không cần điều trị. Nhưng nếu có triệu chứng, điều trị bằng các bài tập rèn luyện sự tập trung của mắt có thể làm tăng khả năng hội tụ của mắt.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Bài tập bút chì

Trong bài tập này, bạn tập trung vào một chữ cái nhỏ ở một mặt của cây bút chì, đồng thời di chuyển nó đến gần sống mũi. Dừng lại ngay khi bạn thấy nhìn đôi. Mỗi lần tập thực hiện khoảng 15 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.

Liệu pháp thị lực trên máy tính

Các bài tập rèn luyện sự tập trung của mắt được thực hiện trên máy tính bằng phần mềm được thiết kế giúp cải thiện khả năng hội tụ mắt.

Kính đọc

Lăng kính tích hợp thường không có hiệu quả. Nếu bạn có vấn đề khác về thị lực, chẳng hạn như nhìn không rõ ở cự ly gần (viễn thị), kính đọc có thể giúp ích.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trị liệu tại phòng khám kèm với củng cố tại nhà là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho suy giảm khả năng hội tụ. Điều trị tại nhà bằng bút chì hoặc trên máy tính không được chứng minh là có hiệu quả. Nhưng điều trị tại nhà tốn ít chi phí hơn, thuận tiện hơn và sẵn có hơn.

Điều trị căn bệnh này có thể mất ba tháng hoặc lâu hơn. Điều trị có thể giải quyết tình trạng suy giảm khả năng hội tụ, nhưng các triệu chứng có thể tái phát sau bệnh, khi thiếu ngủ hoặc khi bạn đọc hay làm việc có tầm nhìn gần quá nhiều.

Suy giảm khả năng hội tụ là bệnh lý thường gặp ở trẻ em độ tuổi đi học. Bệnh gây khó đọc, khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc và học tập. Điều này khiến cha mẹ và thầy cô nhầm lẫn rằng trẻ đang sa sút trong học tập. Nếu bạn hoặc con bạn có triệu chứng của suy giảm khả năng hội tụ hoặc gặp vấn đề về việc đọc, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được khám và điều trị.

Nguồn tham khảo: youmed.vn