Hiện nay, với tình trạng đô thị hóa và ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nổi cộm của nước ta, kéo theo nhiều hệ lụy trong đó có gia tăng các bệnh lý da liễu – dị ứng. Nổi mày đay (hay mề đay) rất thường gặp, đôi khi kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc hiểu biết rõ ràng và đúng đắn về mày đay là quan trọng và cần thiết, do đó bạn hãy cùng Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu tìm hiểu về các cách ngăn ngừa và điều trị nổi mày đay đơn giản, dễ áp dụng tại nhà nhé!
Thế nào là mày đay?
Nổi mày đay (hay mề đay) là một bệnh lí da được đặc trưng bởi nổi các ban da rất ngứa (gọi là sẩn phù mày đay), có hoặc không có các vòng ban đỏ xung quanh. Tên bệnh mày đay có nguồn gốc từ cây tầm ma ở châu Âu (Urtica dioica).
Mày đay có thể được phân loại theo nhiều cách:
- Thời gian bệnh thì có cấp tính (≤ 6 tuần) hoặc mạn tính (> 6 tuần).
- Dựa theo cách thức khởi phát thì có tự phát hoặc có yếu tố khởi phát (như tiếp xúc nóng, lanh, mày đay do rung (vibration), mày đay tiếp xúc,…).
Sẩn phù trong bệnh mày đay có 3 đặc điểm chính:
- Nổi ban da thường sưng nề, màu đỏ, hồng, hay giống màu da, kích thước nhỏ to thay đổi, bao quanh bởi 1 viền đỏ.
- Cảm giác ngứa nhiều hoặc đôi khi cảm giác rát bỏng.
- Xuất hiện và biến mất hoàn toàn trong vòng 30 phút – 24 giờ.
Mày đay có thể cùng tồn tại với phù mạch, là tình trạng sưng nề ở lớp sâu hơn trong da (so với mày đay) hoặc niêm mạc miệng, môi, quanh mắt, đường hô hấp,..
Nguyên nhân bị nổi mày đay
Bạn bị nổi mày đay mẩn ngứa khi có các yếu tố nào đó làm cho một số loại tế bào đặc biệt trong mạch máu ở da bị kích thích tiết ra các chất trung gian hóa học điển hình là histamin. Các chất trung gian này kích hoạt các dây thần kinh cảm giác gây ngứa và gây ra sự giãn nở của các mạch máu, đồng thời rò rỉ các chất dịch vào mô xung quanh gây da sưng phù, mẩn ngứa, khó chịu.
Nổi mày đay có thể liên quan với một số tình trạng sau:
- Căng thẳng, stress.
- Một số loại thuốc.
- Bị côn trùng hay bọ cắn, đốt.
- Tình trạng nhiễm trùng, có thể là vi khuẩn, virus, kí sinh trùng,..
- Tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
- Nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng.
- Áp lực đè lên da.
- Chứng vẽ nổi.
- Tăng nhiệt độ cơ thể, do hoạt động nhiều, chảy mồ hôi, tắm nước nóng.
- Do rung.
- Không rõ nguyên nhân, các tình trạng tiềm ẩn khác.
Top 7 phương pháp điều trị hay ngăn ngừa nổi mày đay tại nhà
1. Ngừng hay cách ly với các yếu tố nguy cơ gây nổi mày đay
Đầu tiên nếu bạn nhận diện được các lý do hay tình trạng khiến bạn bị nổi ban da mày đay thì cần ngừng tiếp xúc hay tránh nó ra, ví dụ khi bạn uống một loại thuốc mới sau đó có nổi phát ban mày đay thì bạn nên ngừng uống tiếp và có thể tham khảo các bác sĩ,…
2. Đắp khăn ướt, gạc lạnh
Biện pháp đơn giản và rẻ tiền này được nhiều người sử dụng vì khi bạn đắp một miếng khăn ướt, gạc lạnh lên vùng da đang phát ban ngứa thì nhiệt độ lạnh sẽ giúp làm giảm sưng viêm, làm dịu da giảm khó chịu, giảm cảm giác ngứa, giảm kích ứng nhanh chóng.
Cách thực hiện
Dùng một túi nước đá làm sẵn hay bọc một ít đá trong khăn và chườm lên vùng da ảnh hưởng tối đa trong 10 phút, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày, đắp lên các vùng da khác nhau từ tay chân, tới thân mình,…
Chú ý
Không đắp đá lạnh trực tiếp lên bề mặt da, vì có thể dính lên da bạn gây bỏng lạnh, làm tổn thương da nhiều hơn, không đắp lạnh lên một vùng da quá lâu (> 10 phút) vì có thể gây tê cóng da, không đắp lạnh lên những vùng da mỏng quá nhạy cảm vì dễ gây kích ứng.
Trong một số trường hợp nếu bạn thường xuyên bị nổi mày đay mẩn ngứa do tiếp xúc với nhiệt độ lạnh thì không nên dùng biện pháp này vì có thể làm nặng hơn tình trạng nổi ban da mẩn ngứa.
3. Dùng cây lô hội/nha đam
Nha đam là một loại cây được biết đến với nhiều công dụng tốt như dưỡng ẩm cho da hay đặc tính chữa bệnh.
Mặc dù nha đam có đặc tính kháng viêm, nhưng khi bôi lên da vẫn có khả năng gây kích ứng với bề mặt da gọi là viêm da tiếp xúc, do đó điều quan trọng là cần phải thử bôi trước lên cơ thể vào vùng ít nhạy cảm nhất, chẳng hạn như là mặt trong cánh tay. Tốt nhất là bôi khoảng 2 lần/ngày trong mặt trong cánh tay và theo dõi trong ít nhất 24 giờ đầu, nếu da bạn không thấy nổi đỏ, kích ứng hay đau rát, châm chích, ngứa khó chịu thì bạn có thể bôi nha đam lên vùng ban da mày đay một cách an toàn.
Có thể bôi gel nha đam vài lần trong ngày lên vùng da nổi ban ngứa khi cần thiết.
Bạn có thể tự làm gel nha đam dễ dàng tại nhà hoặc ra nhà thuốc gần nhà, mua trực tuyến các sản phẩm bôi chứa nha đam.
Các bước tự làm gel nha đam tại nhà
- Chuẩn bị từ 1 đến 2 lá mỗi lần vì gel nha đam chỉ dùng được trong khoảng 1 tuần khi không có chất bảo quản.
- Rửa sạch, gọt vỏ, loại bỏ hết phần mủ (nhựa) vì có thể gây kích ứng da của bạn.
- Khi lá đã được gọt sạch, bạn sẽ thấy gel nha đam tự nhiên, sử dụng 1 chiếc thìa nhỏ để cạo phần gel vào máy xay sinh tố trộn đều, hoặc áp trực tiếp lên vùng da cần bôi, hãy cẩn thận để tránh không lấy bất kỳ phần nào của vỏ nha đam.
- Để trên da tối đa 10-15 phút, sau đó rửa sạch, lặp lại vài lần trong ngày nếu cần thiết.
4. Sử dụng gừng
Ngoài được dùng làm gia vị hằng ngày, đã từ lâu gừng được sử dụng để điều trị các bệnh lí da viêm, các phát ban da đỏ ngứa vì nó có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và kháng các hóa chất trung gian trong bệnh sinh của các bệnh lí da này. Về cơ bản, gừng tác động vào các enzyme và hóa chất gây viêm, do đó cải thiện lưu thông máu đến da, giảm sưng ngứa, làm dịu da.
Bạn có thể lấy một miếng gừng tươi nhỏ, gọt vỏ và nhẹ nhàng chấm gừng lên vùng da nổi phát ban ngứa, lặp lại vài lần trong ngày, để tăng thêm hiệu quả làm át, bạn có thể làm lạnh củ gừng trong tủ lạnh trước khi đắp.
Cắt lát gừng bỏ vào nước tắm hoặc trộn dung dịch chứa nước cốt gừng với nước theo tỉ lệ hợp lí, sau đó thoa nhẹ nhàng lên vùng da nổi mày đay.
Hoặc pha nước gừng uống cùng với mật ong cũng là một cách hiệu quả để trị mày đay tại nhà.
5. Chế độ ăn uống lành mạnh
Nếu bạn bị nổi mày đay mẩn ngứa sau khi ăn một loại thức ăn mới thì có khả năng bạn đã bị dị ứng hay không dung nạp với chất nào đó chứa trong thức ăn này, bạn nên hạn chế và tránh ăn lại.
Một số loại thức ăn đặc biệt đã được báo cáo thúc đẩy nổi mày đay mạn tính thông qua cơ chế không dung nạp, như là: hải sản (ngoại trừ cá tươi mới bắt, đồ ăn được nấu chín), xúc xích lâu năm, thịt hun khói, thịt chế biến sẵn, sản phẩm lên men (phô mát lâu năm, sữa chua), một số rau củ như cà chua, rau bina, cà tím, bơ, rau củ lên men như dưa cải và kim chi, rau củ chín quá, đồ nướng như rượu, phụ gia thực phẩm, sô cô la, kẹo cao su…
Trong trường hợp này bạn nên lập danh sách nhật kí thức ăn, ghi nhận lại tất cả các loại thức ăn bạn đã ăn trong ít nhất từ 6 đến 8 giờ trước khởi phát các triệu chứng, trong vòng 2 – 4 tuần, điều này có thể giúp chính bạn hay các chuyên gia y tế xác định được loại thực phẩm nào có khả năng gây nổi mày đay mẩn ngứa cho bạn.
6. Tắm bột yến mạch
Dân gian từ xưa nay đã sử dụng bột yến mạch để làm giảm các triệu chứng nổi ban ngứa da. Người ta tin rằng bột yến mạch có nhiều đặc tính sinh học có lợi, bao gồm các thành phần chống oxy hóa và chống viêm, giúp làm dịu cơn ngứa của các phản ứng dị ứng trên da.
Có 2 cách phổ biến sử dụng bột yến mạch để điều trị phản ứng đỏ ngứa da bao gồm tắm hoặc đắp. Bạn có thể tự làm bột mịn yến mạch bằng cách xay loại bột này mua ở cửa hàng về bằng máy xay sinh tố, máy xay thực phẩm.
Tắm bột yến mạch
- Thêm 1 cốc bột yến mạch vào bồn nước ấm, trộn đều.
- Ngâm mình hoàn toàn sau 15 – 30 phút.
- Sau đó tắm lại bằng nước mát nhẹ nhàng.
Để làm thuốc đắp
- Thêm 1/4 cốc bột yến mạch vào bát trộn.
- Trộn nước vào bột yến mạch, 1 muỗng cà phê mỗi lần.
- Tiếp tục trộn và thêm nước cho đến khi bạn có một hỗn hợp mịn.
- Bôi hỗn hợp lên vùng da cần điều trị.
- Để tự nhiên hoặc nhẹ nhàng băng vết thương bằng vải ẩm.
- Sau 15- 30 phút, lấy khăn ẩm ra và nhẹ nhàng rửa sạch vùng da bằng nước sạch.
7. Trà xanh
Trà xanh là một loại thảo mộc đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra có tính kháng viêm và kháng histamin (có chứa 2 chất là polyphenols epigallocatechin và epicatechin gallate), làm giảm sẩn ngứa mày đay và các phản ứng da dị ứng khác.
Uống 3 tách trà xanh mỗi ngày để giảm bớt tình trạng nổi mày đay, cung cấp khoảng 240-320mg polyphenol.
Để pha trà, bạn hãy ngâm 1 túi trà xanh hoặc 1 muỗng cà phê lá trà xanh khô trong một cốc nước sôi trong 10 đến 15 phút.
Làm ẩm túi trà xanh và đắp trực tiếp lên da để giúp giảm ban da và các chứng da viêm, mẩn đỏ. Chất tannin trong trà xanh làm co các mô bị viêm và giúp dịu da, giảm ngứa. Lặp lại vài lần mỗi ngày nếu cần
Tắm nước ấm và thêm 10 túi trà xanh hoặc 1,5 tách lá trà xanh khô vào nước. Chờ khoảng 5 phút để trà ngấm vào nước, sau đó tắm và ngâm mình ít nhất 20 phút để đạt hiệu quả mong muốn.
Điều trị nổi mày đay bằng thuốc
Phương pháp điều trị chính cho tất cả các dạng nổi mày đay ở người lớn và trẻ em là dùng thuốc kháng histamine H1. Hiện nay có 2 thế hệ thuốc chủ yếu là thế hệ 1 và thế hệ 2. Trong mày đay người ta sử dụng kháng histamine H1 thế hệ thứ 2 dạng uống như Cetirizine/ Loratadine/ Levocetirizine,…
Nếu liều tiêu chuẩn (ví dụ, 10mg cetirizine mỗi ngày đối với người lớn) không có hiệu quả, có thể tăng liều lên gấp 4 lần (ví dụ, 40mg cetirizine mỗi ngày với người lớn)
Trong một số trường hợp nổi mày đay cấp tính nặng, bác sĩ có thể kê Prednisone (Predninolone) trong vài ngày, hay cần đến adrenaline (epinephrine) trong trường hợp sốc phản vệ
Đối với mày đay mạn tính kéo dài, không đáp ứng với kháng histamine H1, cố gắng tìm nguyên nhân nhưng chưa rõ, omalizumab hoặc cyclosporin và một số loại thuốc khác được chỉ định.1
Lưu ý khi tự chữa nổi mày đay tại nhà
- Cố gắng tìm nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ, yếu tố khởi phát mày đay nếu có thể.
- Khi bạn nổi mày đay trên da, hãy chụp lưu lại hình ảnh để chính bạn hoặc chuyên gia y tế theo dõi và đánh giá.
- Có thế áp dụng các phương pháp đơn giản và rẻ tiền đã kể bên trên.
- Bình tĩnh để tìm phương pháp chữa trị, vì căng thẳng, stress cũng khiến cho bệnh mày đay của bạn nặng nề thêm.
- Ghi nhớ và áp dụng lại các phương pháp điều trị có hiệu quả mà trước đó bạn đã từng thành công khi chữa mày đay mẩn ngứa.
Các phương pháp điều trị tại nhà bạn chỉ nên sử dụng khi nổi mày đay mẩn ngứa dạng nhẹ, khu trú, hoặc tái phát mà bạn có thể kiểm soát được, có trường hợp bạn nghĩ là nổi mày đay cấp tính nhưng thực chất là sốc phản vệ, đây là tình trạng nặng nề, nguy hiểm, cấp thiết cần can thiệp và xử trí của các chuyên gia y tế. Hãy đi khám bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu sau:
- Cảm thấy khó thở, khó khăn khi hít không khí vào phổi hoặc thở ra.
- Căng cứng cổ họng, đột ngột khàn giọng, da và vùng cổ sưng nề, chèn ép vào cuống họng.
- Sưng môi, sưng mắt.
- Buồn nôn, nôn ói, đau bụng hoặc tiêu chảy nhiều.
- Chóng mặt, mệt mỏi.
- Ngất xỉu.
- Cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp.
- Đau tức ngực.
Các triệu chứng phát ban da mày đay kéo dài hơn một vài ngày, nặng dần theo thời gian. Các ban da gây đau đớn hay để lại vết bầm tím và cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn.
Nguồn tham khảo: youmed.vn