Bệnh ghẻ là một bệnh da rất phổ biến ở Việt Nam. Nhất là ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh ghẻ tuy hiếm khi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Nhưng đôi khi nếu không được điều trị đúng cách bệnh vẫn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh ghẻ có thể nhận biết như thế nào? ký sinh trùng cái ghẻ gây bệnh có đặc điểm như thế nào?
Cái ghẻ: ký sinh trùng gây ra bệnh ghẻ
Ký sinh trùng ghẻ là gì?
Ký sinh trùng cái ghẻ hay tiếng anh gọi là Sarcoptes scabiei hominis. Vốn là một ký sinh trùng có những đặc điểm về ngoại hình như:
- Hình bầu dục
- 8 chân
- Lưng có gai chĩa về phía sau
- Đầu có vòi hút thức ăn đồng thời vòi này còn dùng để đào hầm ở.
- Mỗi ngày con ghẻ cái sẽ đẻ từ 1 đến 5 trứng. Và sau từ 3 đến 7 ngày trứng nở thành ấu trùng con
- Ấu trùng sau đó dần dần trưởng thành thông qua quá trình lột xác.
Một điều đặc biệt, đó là chỉ có ghẻ cái mới có khả năng gây bệnh.
Các đường lây lan của ghẻ
Bệnh ghẻ là một bệnh lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ vật mà người mắc bệnh tiếp xúc.
Các vật dụng như quần áo, chăn màn…dính trứng ghẻ hoặc con cái ghẻ. Từ đó sau khi người xung quanh đụng vào sẽ bị lây ghẻ.
Đặc biệt, các bạn cần phải lưu ý rằng bệnh ghẻ có tính lây lan cực kỳ cao. Do đó nếu chỉ cần một bệnh nhân mắc bệnh mà không được điều trị đúng sẽ rất dễ lây lan thành dịch.
Vậy làm sao để diệt ký sinh trùng cái ghẻ?
Để có thể diệt được con ghẻ là nguồn lây bệnh. Các bạn có thể đun sôi quần áo, chăn màn, các vật dụng tiếp xúc nghi có chứa ghẻ,…. ở nhiệt độ 80 – 90 độ C trong 5 phút (do ghẻ chết ở nhiệt độ 60 độ C)
Ngoài ra cái ghẻ cũng sẽ chết khi ra khỏi ký chủ 24-36 giờ. Do đó các bạn cũng có thể dùng cách để quần áo sạch trong tủ 1 tuần sau mới mặc lại để ghẻ tự chết.
Các dấu hiệu giúp nhận biết khi mắc bệnh ghẻ
Sau khi thông qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người mắc bệnh ghẻ. Cái ghẻ sẽ xâm nhập vào da và gây bệnh.
Sau đó qua thời gian ủ bệnh (trung bình khoảng từ 2 đến 3 tuần). Người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Trong đó triệu chứng đặc trưng nhất là bệnh nhân cực kỳ ngứa, đặc biệt là về đêm (vì cái ghẻ đào hang và đẻ trứng vào ban đêm).
Chi tiết hơn, các bạn có thể chú ý các vùng da bị ghẻ xâm nhập sẽ có các tổn thương da như sau:
- Mụn nước rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng (như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, nếp dưới vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục,…..)
- Đường hầm do con ghẻ đào còn gọi là “luống ghẻ” (luống ghẻ do con ghẻ đào thành dài 3 – 5 mm phía trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chảy ra, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay)
- Trên da có thể có các vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có mụn mủ, chàm hóa.
Ghẻ Nauy
Ghẻ Nauy hay còn có tên gọi là ghẻ vảy hoặc ghẻ tăng sừng. Vốn là một thể ghẻ đặc biệt.
Ghẻ Nauy hay gặp ở những người suy giảm miễn dịch ( do điều trị corticoid kéo dài, suy dinh dưỡng, HIV/AIDS…)
Trong bệnh ghẻ Nauy các bạn sẽ thấy các thương tổn cơ bản trên da là những lớp vảy da. Vảy tiết chồng lên nhau (đặc biệt khu trú ở rìa các ngón tay, ngón chân, cổ tay, xương cùng, có khi lan ra toàn thân).
Có thể tìm thấy rất nhiều cái ghẻ trong các lớp vảy, và bệnh có tính chất lây nhiễm rất cao.
Chẩn đoán và điều trị bệnh ghẻ
Chẩn đoán
Để có thể chẩn đoán một trường hợp bệnh ghẻ. Các bác sĩ có thể dựa vào một số triệu chứng đặc hiệu như:
- Thương tổn cơ bản như sẩn mụn nước rải rác, tập trung ở các vùng da non như kẽ ngón tay, mặt trong cổ tay, quanh rốn, mặt trong đùi, bộ phận sinh dục.
- Cơ năng: Ngứa nhiều về đêm.
- Có tính chất dịch tễ: Trong gia đình, tập thể, nhà trẻ …có nhiều người cùng bị bệnh ghẻ.
- Tìm thấy luống ghẻ.
- Tìm được cái ghẻ.
Nguyên tắc điều trị
- Chẩn đoán sớm và điều trị ngay để tránh biến chứng và lây lan cho cộng đồng.
- Điều trị cả những người trong gia đình và người xung quanh nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.
- Bôi thuốc phải đúng cách.
- Phải thực hiện vệ sinh quần áo cá nhân để tránh lây lan cho cộng đồng và tái nhiễm.
Các thuốc điều trị
- Gammabenzen 1%(Lindana®, Lindan®)
- Permethrin 5% (Elimite ®)
- Benzoate de benzyl
- Diethylphtalate (DEP®)
- Esdepallethrine (Spregal®)
- Lưu huỳnh
- Crotamiton (Eurax®)
Các biến chứng của bệnh ghẻ nếu không được điều trị kịp thời
Bệnh ghẻ đa phần ít gây ra những biến chứng nghiêm trọng có hại cho sức khỏe. Chủ yếu là bệnh rất ngứa gây cho người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm và đúng. Bệnh vẫn có thể tiến triển gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như:
- Chàm hóa
- Bội nhiễm
- Lichen hóa
- Viêm cầu thận cấp
- ….
Các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh bạn nhất định phải biết
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhất ở kẽ tay, các nếp
- Khi có người xung quanh bị ngứa, nhất về đêm, nên kiểm tra vị trí chọn lọc của ghẻ. Khuyên người thân nên đi khám để được điều trị kịp thời
- Tránh tiếp xúc người bị ghẻ (bắt tay, dùng chung đồ, …)
- Nếu bị ghẻ cần tránh tiếp xúc người xung quanh: dùng đồ đạc riêng, ngủ riêng và đi khám ngay để trị sớm và tránh biến chứng, tránh lây cho cộng đồng
Các bạn có thể thấy, bệnh ghẻ do ký sinh trùng cái ghẻ gây ra là một bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng lây lan cực cao gây hại cho cộng đồng. Chính vì vậy các bạn tuyệt đối không được chủ quan đối với bệnh ghẻ.
Nguồn tham khảo: youmed.vn