Chảy máu chân răng khi ăn, khi đánh răng là một hiện tượng đáng chú ý mà nhiều người thường dễ dàng bỏ qua. Nó có thể xuất phát từ vấn đề răng miệng hoặc do nguyên nhân bệnh lý nào khác. Nướu khỏe mạnh thường không dễ chảy máu với những tác động bình thường. Vì vậy hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc tìm hiểu chi tiết vấn đề nhé!
Bệnh răng miệng
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của viêm nướu, sâu răng,… Nướu bị viêm sẽ có màu đỏ đậm, mềm, nhạy cảm và rất dễ bị chảy máu và có thể có mùi khó chịu.
Nếu hiện tượng này không được điều trị kịp thời, nó sẽ dẫn tới những bệnh về răng, gây tiêu xương, hình thành túi nha chu. Răng sẽ mất bám dính, lung lay và có thể rụng đi.
Xem thêm: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp
Để phòng tránh bệnh răng miệng, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách. Nên chọn loại bàn chải mềm, đánh răng dọc theo các chân răng từ trên xuống. Ngoài ra nên đi lấy cao răng định kì từ 3 – 6 tháng một lần.
Bệnh về máu
Dễ chảy máu hơn bình thường có thể xuất phát từ các bệnh về máu như: rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, thậm chí là ung thư máu.
Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, xuất hiện những vết bầm tím lớn trên da dù không có va đập, dễ chảy máu chân răng có thể là những dấu hiệu cảnh báo ung thư máu.
Bệnh về gan
Nếu gan bị yếu đi, sẽ dẫn đến hiện tượng dễ xuất huyết, chảy máu chân răng hơn bình thường. Bệnh nhân bị viêm gan, xơ gan thường bị chảy máu khi đánh răng.
Thiếu dinh dưỡng
Cơ thể thiếu vitamin, khoáng chất cần thiết sẽ dẫn đến chân răng nhạy cảm, dễ chảy máu hơn bình thường. Bên cạnh đó, cơ thể sẽ phát ra những tín hiệu báo động tình trạng thiếu dinh dưỡng như sau.
- Thiếu vitamin C: mệt mỏi, hay ốm vặt, dễ bầm tím, vết thương lâu lành.
- Thiếu vitamin A: móng tay không hồng, thị lực giảm, nhìn mờ, trẻ em chậm lớn, hay ốm vặt.
- Thiếu vitamin B1: chán ăn, tiêu hóa không tốt, hay đau bụng đi ngoài, thể trọng giảm sút,…
- Thiếu kẽm: tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, giảm cảm giác ngon miệng.
- Thiếu canxi: dễ chuột rút, tim đập nhanh, tê đầu ngón tay chân, hay quên.
Nếu thấy những biểu hiện trên, hãy tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng kéo dài dẫn tới những hậu quả không tốt sau này.
Chảy máu chân răng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu vấn đề này kéo dài thường xuyên, bạn nên đi khám răng miệng, làm xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan. Tìm ra nguyên nhân tận gốc và có cách điều trị triệt để.
Nguồn tham khảo: youmed.vn