Yoga là một môn rèn luyện sức khoẻ được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Yoga không chỉ giúp mọi người nâng cao sức khoẻ mà còn có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch trong đó có bệnh huyết áp thấp. Vậy lợi ích của yoga đối với người huyết áp thấp như thế nào? Các bài tập yoga cho người huyết áp thấp an toàn, hiệu quả cao ra sao? Cũng như người huyết áp thấp cần lưu ý gì khi tập yoga.
Lợi ích của yoga đối với người huyết áp thấp
Yoga là một phương pháp rèn luyện vô cùng tuyệt vời đối với người có vấn đề về huyết áp thấp. Dưới đây là một số lợi ích của yoga đối với người huyết áp thấp:
- Đối với người huyết áp thấp khi tập yoga cần lựa chọn các động tác nhẹ nhàng để tập luyện. Chúng hỗ trợ việc tuần hoàn máu lên não tốt hơn để duy trì chỉ số huyết áp ổn định hơn và cải thiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…
- Khi tập yoga chúng ta sẽ cảm thấy tinh thần được thoải mái, thư giãn, giảm stress. Khí huyết lưu thông tốt hơn giúp chúng ta có một sức khoẻ tốt và dẻo dai.
- Người huyết áp thấp nên thường xuyên tập yoga. Để tăng cường tuần hoàn máu lưu thông trong cơ thể và cải thiện chức năng tim mạch tốt hơn.
Các bài tập yoga cho người huyết áp thấp
Dưới đây là một số bài tập yoga cho người huyết áp thấp:
Tư thế đứng gập người (Uttanasana)
Bước 1: Bắt đầu bằng tư thế đứng thẳng, lưng thẳng. Hai chân bình thường hoặc hơi mở ra, tay thả lỏng theo người.
Bước 2: Hít vào đồng thời vươn tay lên cao, lòng bàn tay hướng vào trong, thẳng lưng.
Bước 3: Thở ra, từ từ cúi người về phía trước, gập sát người vào chân lần lượt theo thứ tự bụng, ngực, cằm. Hai tay có thể chạm sàn hay ôm lấy cổ chân. Thả lỏng vai và cổ để máu dễ dàng lưu thông lên vùng đầu. Người mới tập có thể hơi gập nhẹ đầu gối. Tuy nhiên, khi đã tập lâu nên cố gắng giữ chân thẳng và không gập gối.
Bước 4: Hít thở đều đặn và giữ nguyên tư thế này trong khoảng từ 15 đến 30 giây.
Bước 5: Để kết thúc tư thế, hít vào, gập hai đầu gối và từ từ đứng lên.
Tư thế con chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana)
Bước 1: Bắt đầu ở tư thế chống hai bàn tay và hai đầu gối xuống sàn sao cho hai tay mở rộng bằng vai. Toàn bộ lòng bàn tay áp xuống sàn, ngón tay xòe rộng. Đầu gối rộng bằng hông, gối nằm ngay dưới hông.
Bước 2: Nâng đầu gối lên khỏi sàn, dùng lực cánh tay để đẩy hông lên cao, duỗi dài cột sống. Thả lỏng cổ, mắt nhìn về các ngón chân. Lúc đầu để gối hơi cong và đưa gót chân nhấc lên khỏi sàn. Sau đó, chúng ta cố gắng duỗi thẳng đầu gối và đặt gót chân chạm sàn.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế từ 1 đến 3 phút. Để kết thúc bài tập ta từ từ gập đầu gối và trở về tư thế đứa trẻ. Thả lỏng cơ thể.
Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)
Bước 1: Bắt đầu bằng tư thế nằm sấp, hai chân khép lại, hai tay xuôi theo người, má chạm sàn.
Bước 2: Di chuyển tay đặt ngang vai và chống lòng bàn tay xuống sàn. Hít vào và từ từ uốn cong người theo thứ tự lưng, ngực và đầu lên. Mở rộng vai, hướng đầu ra phía sau, mắt nhìn lên trần nhà, đùi và hai chân chạm sàn.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế, nín thở trong khoảng 10 giây rồi hít thở đều đặn khoảng 15 – 30 giây.
Bước 4: Thở ra và từ từ trở về tư thế nằm sấp thư giãn, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
Tư thế đứng bằng vai (Sarvangasana)
Đây là một bài tập yoga dành cho người bị huyết áp thấp mà bạn có thể tham khảo. Các bước thực hiện tư thế đứng thẳng bằng vai như sau:
Bước 1: Bắt đầu tư thế nằm ngửa, hai chân thẳng áp sát vào nhau. Hai tay xuôi theo người, bàn tay úp xuống sàn.
Bước 2: Hít vào và co hai chân lên, đầu gối khép sát vào nhau.
Bước 3: Chống hai khuỷu tay xuống sàn, đặt bàn tay đỡ lấy hông. Dùng khuỷu tay làm điểm tựa, từ từ nâng chân, mông, lưng, ngực lên tạo thành một đường thẳng. Di chuyển hai tay dọc theo lưng để hỗ trợ lực cho lưng.
Bước 4: Khi đã vào tư thế chúng ta di chuyển từ từ hai khuỷu tay vào gần nhau hơn. Dồn gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể lên vai và cánh tay. Giữ cằm sát vào ngực, mắt nhìn hai đầu ngón chân cái, chân hướng lên trần, duỗi thẳng cột sống.
Bước 5: Hít thở đều và giữ nguyên tư thế từ 30 đến 60 giây.
Bước 6: Co hai đầu gối rồi lần lượt hạ chân và lưng xuống, đặt tay lên sàn và nằm thư giãn.
Tư thế con lạc đà (Ustrasana)
Bước 1: Bắt đầu tư thế ngồi trên chân, tay đặt lên đùi. Sau đó, nâng người lên quỳ trên hai gối, đầu gối mở rộng bằng vai, mu bàn chân chạm sàn.
Bước 2: Hít vào và từ từ ngả người cong về phía sau, hai bàn tay nắm lấy hai gót chân làm điểm tựa.
Bước 3: Thẳng tay lên, đổ dồn lực vào hai cánh tay, đẩy hông về phía trước và uốn lưng về phía sau, giữ đùi thẳng.
Bước 4: Đầu ngửa ra sau, giữ cổ hướng lên trên, mắt nhìn vào chóp mũi.
Bước 5: Giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 giây, từ từ hạ tay xuống, nghiêng người sang một bên. Ngồi dậy và thu người về tư thế em bé để lấy lại sức.
Người huyết áp thấp khi tập luyện cần lưu ý gì?
Yoga mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, khi tập luyện chúng ta cần lưu ý một vài điều để phòng tránh gây hại cho sức khoẻ đặc biệt là những người huyết áp thấp.
- Để tập yoga hiệu quả người tập cần tham khảo ý kiến của các huấn luyện viên để lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân.
- Nên cân đối thời gian tập luyện. Không vì muốn cải thiện tình trạng huyết áp mà ép bản thân phải tập quá sức.
- Cần tập luyện thường xuyên và kiên trì để đạt được kết quả tốt nhất.
Tóm lại, yoga là một môn rèn luyện sức khoẻ tốt và mang lại nhiều lợi ích giúp cải thiện được tình trạng huyết áp thấp. Bài viết trên đây giới thiệu cho bạn những bài tập yoga cho người huyết áp thấp mong sẽ giúp ích cho bạn trong việc cải thiện tình trạng huyết áp thấp.
Nguồn tham khảo: youmed.vn