Nhược thị là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giảm thị lực ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhận biết được trẻ có đang mắc phải tình trạng này hay không là một vấn đề không hề đơn giản. Do đó, nắm được các thời điểm cần kiểm tra thị lực cho trẻ là cực kỳ quan trọng. Phát hiện sớm và có những điều trị thích hợp sẽ giúp ngăn ngừa các di chứng về sau. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của nhược thị qua bài viết của bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An các bạn nhé!
Nhược thị là gì?
Nhược thị là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng thị lực của một (hoặc hai bên) mắt bị kém đi do hoạt động không ăn khớp với não bộ. Có nghĩa là, vì một lý do nào đó mà mối liên kết giữa mắt và não bộ không được phát triển đầy đủ. Điều này khiến cho hình ảnh từ mắt bệnh bị não bỏ qua. Hậu quả là thị lực bị suy giảm.
Tại sao cần phải quan tâm và điều trị?
Nếu bị nhược thị vĩnh viễn, bạn sẽ không thể nhìn được chính xác chỉ với một mắt. Ví dụ như ngay cả ở mức độ nhẹ, bạn cũng sẽ không có cảm giác tốt về chiều sâu khi nhìn vào một vật (ở không gian 3 chiều).
Hiện tạ, bạn vẫn nhìn được tốt và đủ khả năng để sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu mắt khỏe bị tổn thương hoặc bị bệnh, bạn sẽ gặp phải một vấn đề về thị lực hết sức trầm trọng.
Nguyên nhân nào gây ra nhược thị?
Thị lực của trẻ phát triển trong suốt những năm đầu đời. Theo thời gian, mối liên kết giữa mắt và não bộ cũng được hình thành. Quá trình này diễn ra từ sau sinh cho đến khi trẻ 7 tuổi. Sau đó, chúng sẽ trở nên ổn định và khó có thể thay đổi.
Nếu vì một nguyên nhân nào đó, trẻ không thể dùng một hoặc cả hai mắt một cách bình thường, mối liên kết giữa não và mắt không được phát triển đầy đủ, nhược thị sẽ xảy ra.
Có nhiều bệnh của mắt có thể dẫn đến nhược thị, trong đó 3 nguyên nhân chính là:
- Lác mắt (hay còn gọi là lé): xảy ra khi hai mắt không nhìn cùng một hướng. Có nghĩa là khi một mắt nhìn thẳng ra phía trước thì mắt còn lại sẽ liếc vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Khi đó, hai hình ảnh sẽ được truyền về cùng một lúc. Não sẽ bỏ qua những tín hiệu từ một trong hai mắt để tránh hiện tượng nhìn đôi.
- Tật khúc xạ: bao gồm cận thị, viễn thị hay loạn thị. Một bên mắt có thể bị nặng hơn so với bên còn lại. Có nghĩa là hình ảnh bên đó sẽ bị mờ đi đáng kể.
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh: thủy tinh thể bị đục sẽ ngăn chặn ánh sáng đi vào mắt. Từ đó, quá trình hình thành đường dẫn truyền bị ảnh hưởng.
Nhược thị có biểu hiện như thế nào?
Nhược thị thường chỉ ảnh hưởng một bên mắt. Vì vậy, các triệu chứng của bệnh thường rất khó để nhận biết.
Trẻ có thể không để ý rằng một bên mắt của mình nhìn kém. Và bạn cũng sẽ không phát hiện ra điều này chỉ bằng quan sát thông thường. Nếu nguyên nhân gây bệnh không phải là những bất thường có thể nhìn thấy được, các triệu chứng đôi khi chỉ xuất hiện thông qua các bài kiểm tra thị lực.
Cũng cần lưu ý rằng thị lực kém ở một bên mắt không phải luôn luôn là nhược thị. Bạn cần đến gặp bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Khi nào thì nên kiểm tra thị lực cho trẻ?
Trẻ nên được khám mắt lần đầu vào lúc 6 tháng. Lần khám tiếp theo vào lúc 3 tuổi và sau đó là mỗi năm 1 lần trong thời gian đi học.
Nếu trẻ ở một trong các tình huống sau, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao hơn bình thường:
- Có người thân bị nhược thị.
- Sinh non.
- Cân nặng lúc sinh thấp.
- Mắc các bệnh lý nghiêm trọng ở mắt như lác mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh.
Việc đánh giá có thể được thực hiện sớm hơn. Bạn có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Mắt hoặc bác sĩ gia đình để được kiểm tra toàn diện. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, đừng ngại tìm đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn một cách rõ ràng nhất bạn nhé!
Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực ở một hoặc hai bên mắt. Nguyên nhân là các bất thường trong quá trình phát triển ở những năm đầu đời. Bệnh thường gây ra bởi các tật khúc xạ, lác mắt hay đục thể thủy tinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Rất khó để nhận biết trẻ có đang bị nhược thị hay không chỉ bằng quan sát hằng ngày. Các nguyên nhân gây bệnh có thể hiện diện như một dấu hiệu gợi ý nhưng không phải luôn luôn tồn tại. Kiểm tra thị lực toàn diện cho trẻ vào thời điểm 6 tháng, 3 tuổi và mỗi năm trong thời gian đi học là cần thiết để phát hiện sớm các bất thường.
Nguồn tham khảo: youmed.vn