Số 2, đường số 2, Khu phố 3, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân

Khô miệng: Chớ nên xem thường!

Khô miệng là cảm giác khô, rít ở niêm mạc trong miệng. Tình trạng này đa số gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể ở người trẻ. Nữ thường mắc nhiều hơn nam. Theo thống kê cho thấy khoảng 5,5% đến 46% dân số có thể mắc phải tình trạng này. Nhiều người khi gặp tình trạng này có khuynh hướng phớt lờ vì cho rằng không có gì đáng lo. Họ thường uống nước để làm dịu cảm giác khó chịu trong miệng.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng khô miệng này nguy hiểm hơn những gì chúng ta thường nghĩ. Vì sao và nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài này nhé.

1. Nguyên nhân từ đâu?

Khô miệng được chia ra làm 2 loại chính: Khô miệng do giảm tiết nước bọt – còn gọi là khô miệng “thật”. Loại thứ hai là khô miệng dù tiết nước bọt bình thường, hay được gọi là khô miệng “giả”. Ở loại này, bệnh nhân có cảm giác khô, bỏng rát trong miệng chủ yếu do nguyên nhân về tâm lí.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng được phân thành 2 nhóm: Do bệnh toàn thân hoặc tổn thương tại chỗ. Một số nguyên nhân chính được tóm tắt trong bảng sau:

>> Xem thêm: Nhiệt miệng: Chuyện không biết ngỏ cùng ai!

Nguyên nhân toàn thân Nguyên nhân tại chỗ
– Bệnh nội tiết:

  • Đái tháo đường
  • Bệnh tuyến giáp…

– Bệnh tự miễn:

  • Hội chứng Sjögren (liên quan tổn thương tuyến nước bọt)
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus ban đỏ…

– Nhiễm vi khuẩn hoặc vi-rút

– Khác:

  • Lao
  • Bệnh về máu
  • Suy gan, thận
  • Bệnh liên quan thần kinh
  • Rối loạn tâm lý…

– Do quá trình lão hoá gây suy giảm chức năng tuyến nước bọt.

– Do sử dụng thuốc, thường gặp như:

  •  Thuốc chống tiết cholin (điều trị bệnh lí thần kinh)
  •  Điều trị động kinh
  •  Thuốc chống trầm cảm, loạn thần..
  •  Thuốc chống dị ứng
  •  Điều trị tăng huyết áp
  •  Thuốc phiện…

–  Điều trị xạ trị vùng đầu mặt cổ gây xơ hoá tuyến nước bọt.

– Do thói quen, như:

  •  Uống rượu, hút thuốc
  •  Sử dụng quá nhiều thức uống có chứa caffein
  •  Không cung cấp đủ nước cho cơ thể (qua ăn, uống..)
  •  Thở miệng, ngáy

– Nhiễm trùng tại chỗ

2. Làm sao để biết mình đang gặp phải tình trạng khô miệng?

Đa số các trường hợp bệnh nhân nhận thấy những cản trở trong hoạt động chức năng như: Khó nhai, khó nuốt, khó nói, vị giác thay đổi… Ở một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ có cảm giác bỏng rát, nứt nẻ lưỡi, và có thế gây đau khi ăn uống hoặc nói chuyện.

khô miệng

Một số triệu chứng chủ quan và khách quan được liệt kê như sau:

Chủ quan

(Bệnh nhân cảm nhận)

Khách quan

(Bác sĩ khám thấy)

– Khó nhai, khó nuốt

– Khó phát âm

– Vị lạ trong miệng

– Khô, rít niêm mạc má

– Môi, lưỡi thô ráp

– Niêm mạc miệng, môi, lưới nứt nẻ

– Niêm mạc dính nhau

– Lưỡi bóng láng, mất gai lưỡi

– Nước bọt đặc, dính

– Viêm miệng, lưỡi

– Sâu răng, hôi miệng, nấm miệng…

3. Tình trạng này có ảnh hưởng gì hay có nguy hiểm không?

Bên cạnh việc gây cảm giác khó chịu, tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn tới những hậu quả rất đáng lo ngại.

Trong trường hợp khô miệng “thật”, một số biến chứng có thể xảy ra như:

  • Sâu răng:
Việc thiếu nước bọt để rửa trôi các mảng vụn thức ăn dẫn tới tích tụ mảng bám vi khuẩn gây sâu răng. 
Việc thiếu nước bọt để rửa trôi các mảng vụn thức ăn dẫn tới tích tụ mảng bám vi khuẩn gây sâu răng.

 

  • Mòn răng:

Nước bọt cũng góp phần làm cân bằng môi trường điện giải trong miệng bằng cách trung hoà acid do vi khuẩn lên men, hoặc từ thức ăn. Do đó, thiếu nước bọt gây ảnh hưởng đến độ pH khoang miệng, không những giúp vi khuẩn dễ dàng tấn công gây sâu răng mà còn khiến răng dễ bị mất khoáng và bào mòn.

  • Hôi miệng:

Tương tự sâu răng. Thiếu nước bọt dẫn tới thiếu cơ chế rửa trôi và làm sạch “tự nhiên” của khoang miệng gây tích tụ các tác nhân tạo mùi hôi.

  • Nguy cơ nhiễm nấm trong khoang miệng:

Bên cạnh chức năng bôi trơn và làm sạch khoang miệng, nước bọt còn chứa nhiều khoáng chất và kháng thể tự nhiên của cơ thể giúp chống lại sự bám dính của các tác nhân gây bệnh, trong đó có nấm, đặc biệt là chủng nấm Candida. Khô miệng tạo điều kiện cho nấm dễ dàng bám dính và sinh sôi trên niêm mạc.

nhiễm nấm trong miệng
  • Viêm niêm mạc miệng, lưỡi:

Niêm mạc miệng bị mất đi lớp nhầy bảo vệ trên bề mặt dẫn tới nhạy cảm với các kích thích: Miếng trám răng cọ xát, răng giả, thức ăn… Niêm mạc dễ bị tổn thương và viêm nhiễm hơn.

Ngoài ra, trong trường hợp khô miệng “giả”, bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt vì cảm giác bỏng rát, thô ráp trong miệng. Điều này chủ yếu do nguyên nhân về thần kinh, tâm lí. Nó có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ không mong muốn như: Stress, mất ngủ hay thậm chí trầm cảm

4. Điều trị như thế nào?

Chính vì những hậu quả có thể có, việc điều trị tình trạng này là vô cùng cần thiết. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây khô miệng mà bác sĩ sẽ có phác đồ điêu trị thích hợp.

  • Nguyên nhân là do bệnh toàn thân: Điều trị bệnh toàn thân phối hợp sử dụng một số chế phẩm kích thích nước bọt tại chỗ.
  •  Do sử dụng thuốc: Ngưng hoặc thay thế loại thuốc khác nếu được.
  • Nguyên nhân do thói quen: Thay đổi thói quen theo hướng thích hợp.

Lời khuyên dành cho bạn không phải là tự tìm hiểu nguyên nhân gây tình trạng khô miệng của mình để có cách xử lí. Việc cần làm là bạn nên gặp bác sĩ ngay nếu có bất cứ biểu hiện khó chịu nào ở vùng miệng. Chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp sẽ tránh được những biến chứng không mong muốn.

5. Phải làm gì để phòng ngừa khô miệng và biến chứng của nó?

Rất đơn giản. Sau đây là những việc bạn có thể làm để phòng ngừa tình trạng này:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Trung bình khoảng 1,5 – 2 lít/ngày
  • Thay đổi các thói quen không tốt cho sức khoẻ: Hút thuốc, uống rượu, uống quá nhiều cà phê…
  • Vệ sinh răng miệng đầy đủ và thích hợp. Việc này luôn cần thiết dù cho bạn có bị khô miệng hay không.
  • Khám răng miệng định kì để phát hiện và điều trị kịp thời bất cứ biểu hiện bất thường nào.

Như vậy, khô miệng không chỉ là một tình trạng tại chỗ nhất thời mà đôi khi còn là biểu hiện của một bệnh toàn thân chưa được phát hiện. Do đó, không được phớt là và xem thường chúng. Khi có bất cứ biểu hiện liên quan nào, bạn cần đến nay cơ sở y tế tin cậy để được khám và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khoẻ mạnh và không bị khô miệng “làm phiền” nhé!

Nguồn tham khảo: youmed.vn