Bệnh ghẻ hay dân dân gian còn có nhiều tên gọi khác như ghẻ nước, ghẻ ngứa, ghẻ ruồi,…..vốn là một bệnh có mức độ phổ biến lớn ở Việt Nam. Ghẻ hay được bắt gặp ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém. Chính vì sự phổ biến của bệnh như vậy nên hiện nay có khá nhiều người thắc mắc liệu đâu mới là cách chữa bệnh ghẻ đúng. Vậy bệnh ghẻ nước là gì? Cách chữa bệnh ghẻ nước như thế nào là đúng? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Ghẻ nước và bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là bệnh như thế nào?
Bệnh ghẻ là một bệnh da rất phổ biến ở Việt Nam. Do tác nhân là ký sinh trùng cái ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis). Cái ghẻ có những đặc điểm về ngoại hình như:
- Hình bầu dục
- 8 chân
- Lưng có gai chĩa về phía sau
- Đầu có vòi hút thức ăn đồng thời vòi này còn dùng để đào hầm ở.
- Mỗi ngày con ghẻ cái sẽ đẻ từ 1 đến 5 trứng. Và sau từ 3 đến 7 ngày trứng nở thành ấu trùng con
- Ấu trùng sau đó dần dần trưởng thành thông qua quá trình lột xác.
Một điều đặc biệt, đó là chỉ có ghẻ cái mới có khả năng gây bệnh.
Bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Hoặc gián tiếp qua đồ vật mà người mắc bệnh tiếp xúc. Sau đó Cái ghẻ sẽ xâm nhập vào da và gây bệnh.
Triệu chứng đặc trưng nhất của ghẻ là bệnh nhân cực kỳ ngứa đặc biệt là về đêm (vì cái ghẻ đào hang và đẻ trứng vào ban đêm).
Tại sao lại có tên gọi ghẻ nước?
Bệnh ghẻ hay còn được người dân đặt cho tên gọi là ghẻ nước. Do khi mắc bệnh các vùng da bị ghẻ xâm nhập sẽ có các tổn thương da là mụn nước rải rác, riêng rẽ ( nhiều nhất ở các vùng da mỏng). Chính vì quan sát thấy những mụn nước này nên người dân đã đặt cho tên gọi bệnh ghẻ là ghẻ nước
Ở phía dưới những mụn nước trên là đường hầm do con ghẻ đào còn gọi là “luống ghẻ”.
Các mụn nước này vẫn có thể mọc tập trung thành từng đám trong trường hợp bệnh ghẻ chàm hóa. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị ngứa, gãi nhiều gây ra.
Để có thể hiểu rõ hơn về “ghẻ nước”, cũng như cách chữa ghẻ nước. Chúng ta hãy nhìn qua đâu là các triệu chứng da có thể có khi mắc bệnh ghẻ.
Các triệu chứng trên da khi mắc bệnh ghẻ
Khi con ghẻ xâm nhập vào da, trung bình sau khoảng từ 2 đến 3 tuần. Người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của ghẻ.
Trong đó triệu chứng đặc trưng nhất là bệnh nhân cực kỳ ngứa nhất là về đêm (vì cái ghẻ đào hang và đẻ trứng vào ban đêm).
Chi tiết hơn, các bạn có thể chú ý các vùng da bị ghẻ xâm nhập sẽ có các tổn thương da như sau:
- Mụn nước rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng (như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, nếp dưới vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục,…..)
- Đường hầm do con ghẻ đào còn gọi là “luống ghẻ” (luống ghẻ do con ghẻ đào thành dài 3 – 5 mm phía trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chảy ra, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẻ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay)
- Trên da có thể có các vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có mụn mủ, chàm hóa.
Đối với “ghẻ nước” thì việc điều trị có gì khác so với bệnh ghẻ thông thường
Đối với việc chữa bệnh “ghẻ nước” thì khi điều trị các bạn cần phải cực kì chú ý tránh để những mụn nước này dẫn đến biến chứng bội nhiễm hay chàm hóa.
Do như trên đã nói, bệnh ghẻ cực kì ngứa nên những động tác cào gãi của người bệnh rất dễ làm những mụn nước này vỡ da. Sau khi những mụn nước vỡ, đây chính là ngõ vào cho vi khuẩn gây tình trạng bội nhiễm, nhiễm trùng trên da.
Lâu dần những vùng da bị tổn thương như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chàm hóa. Không chỉ sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khó điều trị gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Các bạn có thể tham khảo một số cách chữa “ghẻ nước” để tránh những tình trạng trên như:
- Tắm thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc xà bong ghẻ để tránh bội nhiễm
- Nếu ghẻ chàm hóa hoặc bội nhiễm: Phải bôi thêm dung dịch màu như Eosin 2%, Milian, castellani.
- Ghẻ Nauy: Ngâm, tăm toàn thân sau đó bôi mỡ salicyle để bong sừng rồi mới bôi thuốc ghẻ.
Điều trị bệnh ghẻ như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ
Để có thể điều trị cho bệnh ghẻ một cách chính xác. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua các nguyên tắc giúp điều trị bệnh ghẻ:
- Chẩn đoán sớm và điểu trị ngay để tránh biến chứng và lây lan cho cộng đồng.
- Điều trị cả những người trong gia đình và người xunh quanh nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.
- Bôi thuốc phải đúng cách (bôi thuốc vào buổi tối, từ cổ đến chân, mặt quần áo sạch sáng hôm sau tắm lại)
- Phải thực hiện vệ sinh quần áo, đồ dùng cá nhân để tránh lây lan cho cộng đồng và tái nhiễm.
Các thuốc giúp điều trị bệnh ghẻ
Một số thuốc giúp điều trị bệnh ghẻ phổ biến như:
- Gammabenzen 1%(Lindana®, Lindan®)
- Permethrin 5% (Elimite ®)
- Benzoate de benzyl
- Diethylphtalate (DEP®)
- Esdepallethrine (Spregal®)
- Lưu huỳnh
- Crotamiton (Eurax®)
Vậy làm sao để diệt nguồn lây ký sinh trùng cái ghẻ?
- Để có thể diệt được con ghẻ là nguồn lây bệnh. Các bạn có thể đun sôi quần áo, chăn màn, các vật dụng tiếp xúc nghi có chứa ghẻ,…. ở nhiệt độ 80 đến 90 độ C trong 5 phút (do ghẻ chết ở nhiệt độ 60 độ C)
- Ngoài ra cái ghẻ cũng sẽ chết khi ra khỏi ký chủ 24-36h. Do đó các bạn cũng có thể dùng cách để quần áo sạch trong tủ 1 tuần sau mới mặc lại để ghẻ tự chết.
Sau khi điều trị bao lâu thì hết ngứa?
Nếu bạn đã áp dụng các cách điều trị ghẻ nước đúng tỉ lệ thì > 95% các trường hợp khỏi bệnh. Bệnh nhân sẽ hết ngứa sau 2 đến 3 tuần và không để lại di chứng.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng bệnh sẽ để lại các biến chứng.
Bệnh ghẻ là một bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Không chỉ vậy mà đối với các cách chữa “ghẻ nước” nếu không đúng còn rất dễ dẫn đến biến chứng khác.
Nguồn tham khảo: youmed.vn