Số 2, đường số 2, Khu phố 3, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân

Các bệnh lý gây viêm da bóng nước, mụn nước phổ biến ở trẻ em

Các bệnh lý gây viêm da bóng nước, mụn nước phổ biến ở trẻ em

Việc xuất hiện các triệu chứng mụn nước và bóng nước trên da của bé là vô cùng thường gặp. Bởi vì do có rất nhiều bệnh lý có thể gây ra các tình trạng trên. Trong những bệnh lý đó có không ít bệnh vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vậy đâu là các bệnh lý gây viêm da bóng nước ở trẻ em mà các bậc cha mẹ cần biết? Cách điều trị chúng như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây nhé!

 

Bệnh da do Herpes simplex virus

Bệnh da do Herpes simplex virus (HSV) là một bệnh da khá phổ biến do 2 tác nhân chính là HSV-1 và HSV-2. Trong đó thường gặp ở trẻ em là các bệnh da do HSV-1.

Bệnh hay gặp ở trẻ trong lứa tuổi từ 1-5 tuổi

Các biểu hiện chính của bệnh là:

– Mụn nước có rốn lõm trên nền hồng ban, nhiều, rải rác ở quanh miệng và mặt. Sau đó mụn nước nhanh chóng vỡ, bề mặt tiết dịch trắng, vàng, đóng mài

– Thời gian ủ bệnh trung hình từ 3 đến 12 ngày.

– Đa số bệnh nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp bệnh vẫn có thể nặng.

– Có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, chảy nước bọt, đau cơ, đau khi nuốt, hạch cổ.

– Các triệu chứng tiền triệu: Đau, căng, nóng, ngứa, châm chích.

– Thường gặp viêm miệng nướu, viêm họng giống với loét aphthous.

– Bệnh kéo dài 2-3 tuần.

Các bậc phụ huynh cần phải tuyệt đối lưu ý rằng đây là một bệnh rất dễ lây nhiễm cho người khác. Cũng như tỷ lệ tái phát của bệnh tương đối rất cao.

Chính vì vậy khi quan sát thấy trẻ có các triệu chứng xuất hiện mụn nước nghi ngờ như trên thì bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được điều trị đúng cách.

Phương pháp điều trị:

Phương pháp điều trị chủ yếu của bệnh là sử dụng thuốc Acyclovir.

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh phổ biến mà ắt hẳn rất nhiều phụ huynh đều đã nghe qua. Đây cũng là bệnh lý gây viêm da bóng nước ở trẻ em. Tác nhân gây ra bệnh thủy đậu là Varicella-zoster virus và có tính lây lan rất cao.

Thủy đậu đa phần lành tính và bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên nếu trong một số trường hợp bệnh vẫn có thể chuyển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé. Bất kỳ lứa tuổi nào sau bị thủy đậu cũng đều có nguy cơ bị Zona về sau, không chỉ riêng trẻ em dưới 2 tháng tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh:

  • Khi mắc thủy đậu trẻ sẽ có các triệu chứng phát ban da cấp. Lúc đầu là dát hồng ban, sẩn, ngứa sau đó chuyển thành mụn nước (căng, lõm ở trung tâm, rải rác). Sau đó mụn nước chuyển thành mụn mủ và vỡ đóng mài
  • Phát ban mụn nước chủ yếu sẽ ở da đầu, mặt → thân → chi
Bệnh Thủy đậu ở trẻ em
Bệnh Thủy đậu ở trẻ em

Điều trị:

Việc điều trị sẽ bao gồm điều trị triệu chứng cho bé và thuốc kháng virus toàn thân.

Bệnh zona

Bệnh Zona hay còn gọi là Herpes zoster cũng là một trong những bệnh lý gây viêm da bóng nước ở trẻ em. Sau khi trẻ bé hơn 2 tháng tuổi bị thủy đậu sẽ có nguy cơ bị zona sau này. Là do sự tái hoạt của Varicella-zoster virus (HHV-3).

Tuy nhiên bệnh thường gặp ở người lớn tuổi hơn so với trẻ em. Zona cũng là một bệnh có khả năng lây lan, tuy nhiên ít hơn bệnh thủy đậu.

Xem thêm: Bệnh Zona: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng chính của bệnh sẽ là:

  • Các triệu chứng tiền triệu (kéo dài từ 4-5 ngày): Đau, ngứa, nóng khu trú tại khoanh da mà thần kinh bị tổn thương chi phối. Một số bệnh nhân có thể chỉ đau thần kinh mà không có phát ban da, sốt, nhức đầu, mệt mỏi,…
  • Mụn nước, bóng nước mọc thành chùm trên nền hồng ban. Mụn nước có rốn lõm phân bố thường theo vùng da được chi phối.
  • Đau do tổn thương thần kinh ngoại biên gây cảm giác bỏng rát, đau nhức sâu, nhói nhẹ, ngứa ran, châm chích
  • ….

Điều trị:

Zona chủ yếu sẽ được điều trị với thuốc kháng siêu vi và thuốc giảm đau.

Bệnh tay chân miệng

Đây là bệnh do tác nhân là các virus trong nhóm enterovirus. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên chú ý và đưa bé sớm đi khám tại các cơ sở y tế. Do một số trường hợp bệnh vẫn có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé.

Xem thêm: Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Điều bố mẹ phải biết

Các triệu chứng chính của bệnh

  • Loét miệng.
  • Những tổn thương da bóng nước ở tay, chân, gối, mông,…
  • Sốt.
  • Nôn ói nhiều.
  • Trẻ lừ đừ, quấy khóc, khó ngủ.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh.

Bệnh Tay chân miệng ở trẻ
Bệnh Tay chân miệng ở trẻ

Bệnh chốc

Chốc là bệnh nhiễm trùng da nông, thường gặp. Đặc biệt chốc có khả năng có lây nhiễm rất cao. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc do tiếp xúc trực tiếp với đồ vật mang mầm bệnh.

Chốc xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh thường gặp là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu tan huyết β nhóm A (Streptococcus pyogenes).

Xem thêm: Bệnh chốc lây và những điều bác sĩ muốn bạn biết

Dấu hiệu nhận biết các dạng của bệnh Chốc

Dạng lâm sàng thường gặp của chốc là chốc không có bóng nước và chốc bóng nước:

Chốc không có bóng nước: 

  • Hiện nay, tại các nước đang phát triển như ở Việt Nam, liên cầu nhóm A vẫn là tác nhân thường gặp gây chốc không có bóng nước.
  • Nhiễm trùng thường xảy ra ở những vùng da có sẵn tổn thương.
  • Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường là những sang thương da mụn nước hay mụn mủ. Sau đó vỡ nhanh, đóng mài tạo thành những mảng màu vàng mật ong đặc trưng.
  • Khi bệnh tiến triển lan rộng nhanh ra xung quanh có thể tạo thành những sang thương vệ tinh xung quanh sang thương khởi đầu.
  • Khi chốc không có bóng nước lành thường không để lại sẹo.

Chốc bóng nước: 

  • Ít gặp hơn chốc không có bóng nước.
  • Nguyên nhân gây ra chốc bóng nước thường gặp nhất là tụ cầu vàng.
  • Bệnh có thể gặp ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Thường ở phần hở nhất là ở mặt, quanh mũi, miệng.
  • Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường là những sang thương da mụn nước tiến triển nhanh thành bóng nước chùng, nông, chứa dịch vàng trong hoặc hoặc đục dần tạo thành bóng mủ.
  • Bóng nước vỡ nhanh trong vòng 1-2 ngày để lại những vết trợt, đóng mài.
Bệnh Chốc ở trẻ em
Bệnh Chốc ở trẻ em

Cách điều trị bệnh Chốc:

  • Chăm sóc tại chỗ vùng sang thương.
  • Rửa, làm sạch mài, thoa mỡ hoặc kem kháng sinh trong trường hợp nhẹ, trung bình.
  • Kháng sinh toàn thân trong trường hợp bệnh lan rộng.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về bệnh lý gây viêm da bóng nước ở trẻ em. Nhìn chung, các bậc phụ huynh cần chú ý khi trẻ xuất hiện các triệu chứng mụn nước, bóng nước trên da. Nếu có các biểu hiện kể trên nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị với các loại thuốc dân gian hay thuốc không rõ nguồn gốc, vô cùng nguy hiểm cho trẻ.

Nguồn tham khảo: youmed.vn